Monday, November 20, 2006

Bai hoc cua me chong



Má nằm bên bé Ni – bé gái đầu lòng bốn tuổi rưỡi của tôi kể chuyện cổ tích cho nó nghe một cách say sưa, tôi vừa gấp quần áo, dọn lại tủ đồ chơi của con bé vừa thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm má và tủm tỉm cười. Tôi tin rằng mình là đứa con dâu hạnh phúc nhất.


Sao má lại biết nhiều câu chuyện hay và phù hợp với con nít thế? Nghe xong, hỏi vài câu để hiểu rõ hơn về câu chuyện, nó nũng nịu đòi má: “Nội hát cho con nghe để con ngủ đi”. Má ngắt mũi nó âu yếm: “Rồi, nội hát ru con, và con sẽ...”. “Ru em con ngủ”, hai bà cháu đồng thanh.


Rồi má nhắc tôi: “Má bé Ni đưa em búp bê cho bé Ni ru em ngủ với nội nè”. Tôi dạ và nhẹ nhàng sà xuống cạnh bé, đưa con búp bê bông cho nó ôm, má thì thầm với bé Ni mà cũng như đang nhắc nhở tôi: “Em bé là em con và nhỏ hơn con nên con phải thương em nhé”. Hôn lên trán nó, tôi nói: “Chúc nội, chúc bé Ni và chúc em bé ngủ ngon”.


Bật chiếc đèn ngủ, tắt điện chính, tôi bước ra ngoài. Tiếng má hát những câu ca dao, đồng dao ru con bé ngọt ngào mà chính tôi cũng đã thuộc lòng vì hơn 4 năm nay, má đã hát ru bé Ni. Chồng tôi thường đi công tác xa nhà, tôi lại đang mang thai đứa thứ hai. Má đã nghỉ công việc má yêu thích nhất để ở nhà chăm sóc cho bé Ni và tôi. Từ lúc cai sữa cho bé Ni, má là người hàng đêm ru bé ngủ và kể chuyện cho bé nghe, má nói tôi đi làm vất vả, nhưng vẫn phải dành ngày cuối tuần cho bé và đưa bé về thăm ngoại.


Nhiều lần, tôi đã không ngăn được những giọt nước mắt bởi lời con trẻ: “Nội nói má đi làm vất vả, mệt lắm nhưng vẫn nhớ con và muốn về chơi với con, đúng không má?”, “Nội nói, em bé trong bụng má hay khóc nhè và đạp bụng làm má đau, nên con phải ngoan để má hết đau, đúng không má?”, “Nội nói má mệt, con đấm lưng và bóp vai má là má hết mệt liền ha má?”…


Lúc nào tôi cũng cảm thấy có lỗi vì chưa làm tròn bổn phận dâu con đối với má chồng. Má chưa bao giờ coi tôi là con dâu. Má luôn cho tôi cái cảm giác tôi là đứa con gái yêu quý nhất của má. Má chỉ cho tôi tất cả những gì cần thiết cho một người vợ, người mẹ trong gia đình và một người phụ nữ đảm đang trong xã hội. Má nói: “Ngày xưa má thiệt thòi vì khi về làm dâu, chẳng ai chỉ cho má biết phải làm sao cho tốt nên má gặp nhiều khó khăn, nay má có con dâu, má không muốn con dâu má gặp khó khăn như má”.


Má dạy cho tôi từ cách làm bếp, dọn nhà, đi chợ, chăm chồng nuôi con… Má cầm tay chỉ cho tôi làm sao để tắm, thay đồ hay xức phấn cho bé Ni. Má chưa bao giờ lớn tiếng la tôi cho dù tôi đã nhiều lần làm buồn lòng má. Má chỉ nhẹ nhàng: “Tụi con trẻ người non dạ quá”. Má ít khi dạy tôi bằng lời nói, má thường dùng hành động và việc làm để dạy dỗ chúng tôi. Nhiều lần ghé qua phòng má lúc má đang ngủ, được kéo chiếc chăn đắp lại cho má là một điều hân hạnh cho tôi.
Tôi rất muốn được hôn bàn tay má và nói cám ơn. Ba chồng tôi mất một năm sau ngày cưới của chúng tôi. Hai anh lớn cùng gia đình ở xa, vợ chồng tôi lo tất cả cho má, nhưng tôi thật lòng thấy vẫn chưa đủ. Tôi muốn làm nhiều thứ hơn nữa cho má, nhưng dường như điều làm má vui nhất đó là đón nhận tình thương và sự quan tâm, dạy dỗ của má.


Tôi biết, dù tôi có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bao giờ mua được những gì mà má đang dành cho tôi. Chị em đồng nghiệp của tôi thường kể về má chồng của họ, tất cả đều rất khác với những gì má chồng tôi với tôi, điều gì đã làm nên sự khác biệt đó? Phải chăng vì má tôi là một NHÀ GIÁO?


kimdung@
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

No comments: